NHỮNG VẾT ĐEN TRONG GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

những bài viết và những ý kiến về bạo lực học đường

Go down

những bài viết và những ý kiến về bạo lực học đường Empty những bài viết và những ý kiến về bạo lực học đường

Bài gửi  Admin Sun May 15, 2011 1:14 am

Xin giới thiệu với các bạn những bài viết và những ý kiến về bạo lực học đường"
Ngăn chặn bạo lực học đường - Cách nào?


Trên các phương tiện thông tin đại chúng lẫn các trang web của các mạng xã hội gần đây xuất hiện dày đặc thông tin, hình ảnh cô cậu học sinh mặt búng ra sữa thượng cẳng chân, hạ cẳng tay giống như cảnh những tay “anh chị” đang hành xử nhau trong các phim xã hội đen. Vậy vấn đề bạo lực học đường đã đến mức báo động đỏ hay chưa, lỗi tại nhà trường hay tại gia đình và giải quyết vấn đề này như thế nào? Để góp phần giải đáp những câu hỏi trên, Báo SGGP xin chuyển tải những ý kiến, giải pháp của những người trong cuộc xung quanh vấn đề nóng này.
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội):
Nhân đạo với 1-2 học sinh hư là không nhân đạo với tất cả học sinh còn lại

Theo tôi, “3 kiềng” trong giáo dục học sinh là nhà trường, gia đình và xã hội đừng đổ lỗi cho nhau nữa, mà tự thân mỗi phía hãy thay đổi cách tiếp cận vấn đề. Tôi đặc biệt quan tâm đến vai trò của nhà trường trong giáo dục đạo đức học sinh. Nhà trường hiện nay dạy các em tất cả mọi thứ, nhưng không dạy cách sống như thế nào.
Môn giáo dục công dân với những kiến thức lý luận chính trị không khác giáo trình dành cho Học viện chính trị, thay vì dạy các em cách chào hỏi người lớn tuổi, biết ơn cha mẹ, thầy cô, cách ứng xử thân thiện với bạn bè. Tóm lại nhà trường hiện nay chưa dạy các em cách để trở thành một con người tốt.

Mặt khác, khi các em vi phạm, đánh nhau với bạn đến mức độ như báo chí đã phản ánh, nếu chỉ với cách trừng phạt, kỷ luật như vừa qua (hạ hạnh kiểm) thì không thể có tác dụng ngăn ngừa giáo dục học sinh, vì các em không sợ. Theo tôi, cần phải trừng phạt các em thật nặng mới có tác dụng.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, không nên phạt nặng các em, không nên đuổi học, đẩy học sinh ra xã hội. Là một nhà giáo dục, tôi lại chú ý đến hàng ngàn học sinh còn lại của trường chứ không chỉ riêng 1 - 2 em học sinh có bạo lực. Chúng ta nhân đạo với 1 - 2 em học sinh hư tức là không nhân đạo với tất cả học sinh còn lại, vì các em phải sống trong môi trường có bạo lực. Vì thế chúng ta buộc phải lựa chọn, phải tính lại hình thức kỷ luật hiện nay.

Tôi đề xuất ngành giáo dục nên thành lập một số trường giáo dưỡng để tiếp nhận những học sinh có sai phạm. Khi các em học tập, lao động tiến bộ sẽ tiếp nhận trở lại trường học, làm thế chúng ta vừa không đẩy các em ra xã hội, vừa tạo cho các em cơ hội sửa sai.
bài viết từ: http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2010/4/222791/
GS Nguyễn Lân Dũng, đại biểu Quốc hội: Đạo đức phải được uốn nắn hàng ngày
Tôi thấy trường nào hiện nay cũng có khẩu hiệu rất lớn trên tường “Tiên học lễ, hậu học văn”. Đó là một trong những truyền thống đáng quý của nền giáo dục nước nhà. Từ xa xưa, cha ông ta đã quan niệm đi học trước hết phải là học để làm người, sau đó mới là học để làm việc.

Với trẻ em, đạo đức là chuyện phải được uốn nắn hàng ngày trong gia đình, trong trường học và ngoài xã hội. Con cái những gia đình có gia phong nền nếp không thể có thói quen nói tục, hỗn láo… càng không thể có những hành vi bạo lực với bè bạn. Đấy phải là một quá trình rèn luyện mà bố mẹ phải thường xuyên chú ý nhắc nhở, khuyên bảo, răn đe... với con em từ nhỏ cho đến tuổi trưởng thành.

Cô Nguyễn Thị Bảo Linh, giáo viên Trường THPT Lý Tự Trọng: Tế bào khiếm khuyết thì xã hội khó tốt đẹp
Mâu thuẫn của các em khởi phát từ những chuyện rất đơn giản. Nhưng vì ở lứa tuổi đang phát triển nên tâm lý các em “hay nắng mưa”, cộng thêm sự tiêm nhiễm từ phim ảnh trên internet, các đối tượng bên ngoài xúi giục nên các em dễ hành xử theo kiểu đàn anh, đàn chị… để chứng tỏ bản thân. Nếu không theo sát những biểu hiện và có phương pháp phòng ngừa thì hậu quả khó lường.
Nhiều em cũng tỏ ra lờn thuốc với cách xử phạt hiện nay của nhà trường nên tiếp tục tái diễn sau mỗi lần nhà trường cảnh cáo, nhắc nhở. Nhà trường phải chấp nhận biện pháp đuổi học những em quá ngỗ ngược nếu không sẽ phá hỏng cả một tập thể.
Dư luận, gia đình các em cũng cần sự đồng cảm, chia sẻ với nhà trường để chung tay giáo dục tri thức, nhân cách cho các em chứ đừng nên đổ hết cho người thầy. Gia đình là tế bào của xã hội. Nếu tế bào có nhiều khiếm khuyết thì xã hội sẽ khó tốt đẹp. Những bậc làm phụ huynh hãy là tấm gương tốt để đưa con vào đời.
Bạo lực học đường “biến tướng” đặc biệt nguy hiểm
(Dân trí) – không còn đơn thuần là những hành động túm tóc, xé áo, đấm đá… gần đây bạo lực học đường đang “biến tướng” đặc biệt nguy hiểm. Trong vòng chưa đầy một tuần, tại TPHCM và Bình Dương xảy ra ba vụ học sinh dùng hung khí chém giết bạn như phim hành động.
Sau những vụ cộm cán về việc học sinh đánh nhau rồi quay clip tung lên mạng, nhiều cuộc hội thảo và tọa đàm của ngành giáo dục nhằm tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường đã được tổ chức. Bất chấp sự răn đe của pháp luật và những lời cảnh tỉnh của thầy cô cũng như giới truyền thông, tình trạng học sinh đánh nhau vẫn gia tăng theo chiều hướng nguy hiểm.

Không chỉ túm tóc, đấm đá thời gian gần đây học sinh đã dùng hung khí tấn công nhau

Không chỉ dừng lại ở việc đấm đá, những kẻ côn đồ núp bóng học sinh còn tụ tập “băng đảng” dùng đến cả hung khí để chém giết bạn. Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, tại TPHCM và Bình Dương đã xảy ra ba vụ án nghiêm trọng, đỉnh điểm là cái chết của em Đặng Hoàng Tiến (15 tuổi) học sinh lớp 11, trường THPT Lê Thị Hồng Gấm quận 3.
Sau nhiều lần đánh bạn, nữ sinh lớp 11 tên Thắm, trường THPT Đức Trí huyện Thuận An, Bình Dương đã bị nhà trường kỷ luật buộc thôi học. Cay cú vì bị đuổi học, Thắm chặn đường nữ sinh Trần Như Huỳnh, học sinh lớp 8 trường THCS Đức Trí để trả thù.
Chiều ngày 15/11, đang trên đường đi học về Huỳnh bị Thắm chặn đường, Thấy nét mặt đằng đằng sát khí của đàn chị, Huỳnh đã bỏ chạy nhưng bị Thắm rượt theo đấm đá tới tấp rồi dùng dao Thái Lan đâm thẳng vào giữa lưng. Mũi dao xuyên thủng màng phổi khiến em Huỳnh phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng mất nhiều máu, tâm lý hoảng loạn.

Em Như Huỳnh được cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Bình Dương (ảnh: Mẫn Khang)
Hai ngày sau vụ việc trên, tại TPHCM một học sinh lại tiếp tục bị truy sát. Nạn nhân lúc này là em Nguyễn Ngọc Sang (SN 1994) học sinh lớp 11 trường THPT Đào Duy Anh, quận 6. Vừa ra khỏi cổng trường sau giờ tan học, Ngọc Sang bị hai tên côn đồ bịt kín mặt dùng xe gắn máy đuổi theo rút mã tấu chém tới tấp trước sự kinh hoàng của nhóm học sinh cùng trường.
Còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì Sang đã bị nhiều nhát chém “tử thù” trong đó có một nhát chí mạng dài hơn 10cm ở lưng và một nhát làm đứt gân bàn tay trái. Sang được người dân đưa đến bệnh viện quận 6 cấp cứu rồi chuyển lên bệnh viện Chấn thương chỉnh hình để nối gân bàn tay.
Theo lời kể của Sang thì nguyên nhân khiến em bị tấn công có thể là do xích mích dẫn đến xô xát với một đàn anh học lớp 12 cùng trường trong trận bóng đá trước đó ít ngày.
Khi vụ việc trên còn chưa được làm sáng tỏ thì cái chết của em Đặng Hoàng Tiến (15 tuổi) học sinh lớp 10 trường THPT Lê Thị Hồng Gấm, quận 3 đã đẩy vấn nạn bạo lực học đường lên đến đỉnh điểm.

Hung khí và cặp sách các đối tượng sát hại em Tiến bỏ lại hiện trường
Đang trên đường đi học về, Tiến bị hai đối tượng còn mang đồng phục học sinh và cặp sách dùng xe gắn máy đuổi theo. Sau tiếng hô lớn “đúng là nó rồi” cả hai lao vào tấn công Tiến tới tấp, một trong hai đối tượng rút cây lê thủ sẵn trong người đâm thẳng vào ngực Tiến khiến em gục xuống trên vũng máu.

Gây án xong, hai đối tượng bỏ lại xe và cặp sách tháo chạy trước sự kinh hoàng của các học sinh khác và người đi đường. Mặc dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó, nhưng Tiến đã tử nạn trên đường đến bệnh viện.
Cái chết thương tâm của em Tiến cho thấy những giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường của ngành giáo dục, cơ quan pháp luật và gia đình học sinh đang đi vào bế tắc. Nếu không tìm được lối thoát cho căn bệnh “trầm kha” này thì không biết thời gian tới còn bao nhiêu học sinh khác sẽ phải đối mặt với “tử thần” vì những nhát dao oan nghiệt của bạn mình.
Vân Sơn

Bạo lực học đường: Nỗi lo lớn từ cuộc khảo sát nhỏ
Lts.
Công an một phường của quận 12 TP.HCM vừa tiếp nhận đoạn clip quay cảnh nữ sinh lớp 6, 7 trường THCS N. đánh dã man một nữ sinh lớp 7 vì lý do... ghen tuông! Không chỉ đánh bạn dã man, một trong bốn nữ sinh còn cởi áo nạn nhân cho các bạn khác quay clip. Vậy là mặc cho bao cảnh báo, nỗ lực ngăn chặn, bạo lực học đường vẫn lan tràn và ngày một “kinh dị” hơn. Để thử tìm hiểu học sinh ngày nay nghĩ gì về bạo lực học đường, một nhóm cộng tác viên Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc thăm dò nhanh với 20 em nữ sinh lớp 8 và 19 em nữ sinh lớp 10 ở một số trường thuộc quận 3, quận 9, quận Thủ Đức: nhiều kết quả bất ngờ!
Đánh nhau vì giành bồ là… bình thường
Trả lời câu hỏi vì lý do gì mà bạn đánh nhau, hơn 70% học sinh được khảo sát chọn câu trả lời: vì bị bạn khiêu khích, xúc phạm. “Khủng” hơn, có đến 40% nguyên nhân xảy đến hành vi bạo lực là vì… ghen! Bạn M.C. học sinh lớp 10 trường Marie Curie cho rằng: “Đánh nhau vì tranh giành bồ là chuyện bình thường, chỉ cần mất bồ vào tay bạn thì kiếm bạn để “nói chuyện”, nói chuyện không xong mà còn bị khiêu khích ngược lại là có thể “xử” ngay”.
Nói xấu bạn bè cũng là một nguyên nhân phổ biến gây ra tranh chấp ở học đường. Nữ sinh thường chơi theo nhóm, chỉ cần một bạn trong nhóm này không thích một bạn trong nhóm kia thì lập tức hai nhóm trở thành kẻ thù. Sức mạnh của số đông khiến cho lòng tự tin của từng thành viên tăng lên khá nhiều, hiềm khích theo đó cũng tăng. Một nguyên nhân nữa, vì ác cảm (nhìn mặt “thấy ghét”, nhìn bộ đồ “thấy gớm”…) là có thể... đánh nhau. Phần lớn việc đánh nhau lại xảy ra ở những bạn học kém, học trung bình hoặc ở những trường tập trung nhiều học sinh “cá biệt”. Cũng có những trường hợp đánh nhau chỉ vì bênh bạn, thấy bạn bị ức hiếp nên “ra tay nghĩa hiệp”. Cá biệt, có ba trường hợp được ghi nhận đánh nhau chỉ vì bạn kia được điểm cao hơn mình!
Những hiệu ứng dây chuyền
Năm 2010, hàng loạt clip bạo hành nữ sinh gây chấn động dư luận, dã man nhất có lẽ là vụ “lột áo, cắt tóc” ở Cẩm Phả – Quảng Ninh. Đầu năm 2011, liên tiếp xảy ra vài vụ lộ clip đánh nhau, trong đó, vụ nghiêm trọng nhất khiến dư luận quan tâm là đánh hội đồng của nhóm học sinh lớp 9 ở Đức Trọng, Lâm Đồng: vụ việc được quay clip hơn chín phút và được tung lên mạng, in thành đĩa CD bày bán! Có hay không hiệu ứng dây chuyền? Qua các em học sinh được khảo sát, nguồn gốc bạo lực học đường bùng phát là do thiếu ý thức về hành vi. V.A. học sinh lớp 8A trường THCS Hoa Lư cho rằng: “Do gia đình quá dễ dãi, không chú ý hành vi của con mình; do các bạn thiếu thốn tình cảm; do chương trình học quá nặng, khiến các bạn nản và đi theo các thành phần xấu”. Em L.Đ. cùng lớp thì nghĩ rằng sở dĩ đánh nhau nhiều là do “một phút nông nổi bồng bột”. Với em Th.H.: “Tại vì các bạn nóng tính muốn tỏ ra bản lĩnh”. Còn em M.Đ.D. thì cho rằng “vì thấy những người khác làm rồi làm theo”. Em Ng.H.Kh.L. nghĩ rằng “bạo lực là do bạn muốn người khác phải sợ mình”, muốn chứng tỏ mình “ngon” hơn các bạn.
Can hay không can?
Về quan điểm nên hay không nên quay clip bạn đánh nhau, đa số học sinh phản đối việc quay clip vì “đó là hình ảnh không đẹp, không thể để cho mọi người thấy được” – quan điểm của em Di.Th. lớp 8 trường THCS Hoa Lư; “vì đó là chuyện riêng của họ ta không nên can thiệp, cách làm như thế là bôi xấu người khác chứ không phải là vì mục đích giúp mọi người nói không với bạo lực học đường” – ý kiến của một học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Hữu Huân; riêng em Ng.Đ.V.A. lớp 8 trường THCS Hoa Lư thì cho biết em sẽ không quay clip vì “người bị đánh đã đau mà còn quay clip tung lên mạng là nhục mạ người khác”. Trong những trường hợp nói “có” với việc quay clip, em N.T.H.Ng. lớp 10 trường THPT Phước Long lại cho rằng “để mọi người biết rằng học sinh ngày nay hư hỏng thế nào”! Em M.Đ.D. tâm sự: “Khi xem những clip đó em cảm thấy rất tội nghiệp cho những bạn bị đánh và những bạn quay clip, những bạn tham gia đánh nhau và kể cả những người đứng xung quanh, thật vô tâm, tàn nhẫn!”
Tuy nhiên, có rất nhiều em trả lời “không can” khi tận mắt thấy chuyện đánh nhau. Các em quan niệm “nếu thấy bạn đánh nhau em sẽ tránh ra”, nhiều bạn cũng chọn giải pháp đi báo thầy cô, giám thị và công an. Một số bạn lại chọn giải pháp đứng xem vì “có giúp cũng không được”. Rất ít bạn chọn giải pháp can thiệp, và nếu can thiệp, “thì đó phải là người quen, là bạn của mình”.
Phương Thảo – Ngọc Hân
Trả lời của các em từ cuộc khảo sát nhỏ này còn cho thấy
– Đa số các em biết đến những vụ bạo lực qua các kênh bạn bè (58%), báo chí (53%) và internet (68,4%). Chỉ có 10% được biết qua thầy cô, gia đình. Như vậy sự kết nối giữa thế giới người lớn và thế giới teen ngày càng xa cách.
– Trong số chín em từng chứng kiến tận mắt những vụ bạo lực học đường, có năm em thấy một – hai lần và có đến hai em đã thấy trên mười lần!
– Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh dùng nắm đấm, đa số cho rằng do các bạn bị khiêu khích, xúc phạm (78%), do ghen tuông trong tình cảm (48%), vì ác cảm, bị nói xấu (56%) và có một lý do khác là nạn nhân có thái độ khinh người nên bị tấn công. Lý giải nguồn gốc của những nguyên nhân trên, các em c ho rằng đa số bị ảnh hưởng bởi game bạo lực, sách báo truyện tranh không lành mạnh, do xem các clip tràn lan trên mạng nên bắt chước để chứng tỏ bản lĩnh. Đặc biệt có em nêu nguyên nhân tình trạng bạo lực học đường là do sự giáo dục của nhà trường hiện nay quá chú trọng vào việc dạy chữ hơn dạy làm người.
– 74% phản đối cách hành xử bạo lực kém văn hoá này. Ngoài ra, hầu hết các em đều không tán thành việc quay clip đánh nhau đưa lên mạng và đa số bày tỏ sự thông cảm, tội nghiệp các nạn nhân trong các clip. Các em cho rằng đây là hành động thiếu văn hoá và ảnh hưởng đến các bạn bị đánh.

Vô cảm đến từ đâu?

TT - Trước hết sự vô cảm là một sản phẩm của quá trình biến đổi xã hội từ mô hình xã hội nông nghiệp cổ truyền sang xã hội công nghiệp hiện đại. Như chúng ta đều biết trong mô hình xã hội nông nghiệp cổ truyền, mối quan hệ giữa người với người hết sức chặt chẽ. Bởi xã hội được tạo ra từ những cộng đồng, làng xã mà mọi người trong đó đều có sự gắn kết với nhau rất cao, vì hoạt động nông nghiệp là hoạt động chưa có chuyên môn hóa cao và cần đến nhiều sức lao động nên con người đều quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau. Hơn nữa trong mô hình xã hội này cái được đề cao không phải là cá nhân mà là tập thể.
Tuy nhiên khi xã hội chuyển sang mô hình công nghiệp và kèm theo đó là sự xuất hiện của đô thị hóa thì mối quan hệ giữa người với người không còn vững bền, bởi trong xã hội đô thị cái được đề cao không còn là tập thể mà là cá nhân, tức cái người ta quan tâm trước hết là lợi ích và sự an toàn của bản thân chứ không phải là lợi ích hay an toàn của tập thể và xã hội. Như vậy có thể thấy nguyên nhân đầu tiên của tình trạng vô cảm trong xã hội là bởi trong bối cảnh xã hội hiện đại, chủ nghĩa cá nhân đã lấn át hoàn toàn chủ nghĩa tập thể, lợi ích riêng trở thành quan trọng nhất chứ không phải cái chung.
Vì vậy người ta không cần phải can dự vào việc của người khác nếu điều đó không mang lại lợi ích cho bản thân nhưng lại tiềm ẩn nhiều bất trắc. Tất nhiên đây là một mặt trái của hiện đại hóa, nhưng ta không thể chống lại mà phải làm sao giúp con người biết rằng họ có quyền thỏa mãn những ham muốn của bản thân nhưng không được xâm phạm hay làm hại lợi ích chung, lợi ích công cộng. Muốn làm được điều này thì không có ai ngoài hai thiết chế giáo dục và pháp luật: giáo dục phải dạy sao cho con người biết cân bằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, còn pháp luật phải cho con người thấy được đâu là lằn ranh giới hạn cần phải tôn trọng.
Điều thứ hai dẫn đến sự vô cảm của con người trước cái xấu, cái không tốt trong xã hội là bởi con người cảm thấy bất lực trước những điều đó. Có lẽ ai trong xã hội cũng bất bình trước cái xấu, cái ác, nhưng chúng ta cảm thấy không thể chống lại những điều ấy bởi không có đủ khả năng từ chính bản thân cũng như từ thiết chế xã hội.
Do đó muốn con người mạnh dạn đấu tranh trước cái ác, cái xấu thì phải làm cho họ cảm thấy họ có thể làm được thông qua sự trợ giúp từ phía xã hội cũng như các thiết chế chính thức, chứ không phải bằng cách kêu gọi lòng quả cảm hay sự hi sinh của cá nhân như lâu nay. Muốn con người không vô cảm thì trước hết luật phải công minh và công bằng trên hiện thực.
LÊ MINH TIẾN (giảng viên xã hội học)
Ai cũng muốn “an toàn là thượng sách”
Xin đừng vội “lên án người khác” bằng hai tiếng vô cảm, nhất là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Vì sao ư? Đơn giản chỉ vì lúc đó không ai có thể biết các em “đang nghĩ gì” và những người “không may nhìn thấy cảnh mà không ai muốn thấy cũng đang nghĩ gì”. Rất khó để một người bình thường đủ can đảm can ngăn một nhóm người đằng đằng sát khí rượt đánh một người. Nhìn thấy cảnh người khác bị hà hiếp ai mà không động lòng, nhưng ai cũng muốn “an toàn là thượng sách”. Thế nên đừng lên án mọi người trong khi họ không hề vô cảm mà chỉ “nhát gan” mà thôi.
Một bạn đọc
Xin cha mẹ thêm chút thời giờ
Em đang là học sinh cấp III, em muốn nói với các bậc cha mẹ hãy bỏ ra một chút thời giờ để nuôi dạy con cái nên người, trở thành một công dân tốt... Đa số dư luận đều đòi các chú công an, các thầy cô phải giải quyết khi mọi chuyện đã xảy ra, nhưng các bậc phụ huynh không suy nghĩ lại đã giáo dục con cái mình tốt chưa?
TRẦN NHƯ NGUYỆN (pengan_chjckenbaby@...)

Hành động người lớn tạo nên hành vi trẻ nhỏ
Học sinh đánh nhau, chuyện thường tình, theo tôi là vậy, ở VN hay ở nước khác, Mỹ chẳng hạn, nó diễn ra hằng ngày, hầu như ngày nào cũng có. Trong chuyện này có khác và mang tính “rầm rộ” hơn là nhờ Internet. Tôi muốn nói như vậy để thấy đừng đợi vụ nào có clip mới là vấn đề.
Trong chuyện này có màu sắc vô cảm từ chính xã hội. Tính ra xã hội vô cảm trước chuyện đánh nhau lâu rồi. Chẳng phải hằng ngày nhiều người lớn (các bậc cha mẹ) đánh nhau trước mặt con cái đó sao? Có phải hằng ngày chúng ta đôi lần thấy đánh nhau trên phố? Chúng ta đã làm gì, đi ngang qua hay tò mò nhìn (như những bạn nhỏ ngồi xem trong clip)?
Hành động của người lớn tạo nên hành vi trẻ nhỏ. Đã vậy những biện pháp răn dạy của luật pháp với những hành vi đánh nhau thông thường (trước tiên với người lớn) có đủ sức răn dạy cả người lớn và trẻ nhỏ? Trả lời những câu hỏi này chính là lời giải cho câu hỏi về sự vô cảm.
ĐẶNG TƯƠI ghi
Bạo lực học đường có phải do người lớn?
TTO - Các video clip đánh “hội đồng” tung lên mạng trong vòng 9 ngày từ 10-3 đến 19-3-2010 như là một minh chứng rõ nét và là cái tát đau điếng vào ngành giáo dục nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Vì sao các bạn trẻ lại có thể hành xử bạo lực như tế? Không khó để tìm câu trả lời. Nguyên nhân đầu tiên dễ nhận thấy nhất là sự thiếu quan tâm đúng mực của gia đình, nhà trường. Nhiều gia đình phó mặc con cái cho nhà trường, thầy cô.
Trong khi trường học và thầy cô chủ nhiệm chỉ lo chạy theo việc hoàn thành chỉ tiêu, thành tích thi đua, học sinh bị bạn bè ức hiếp, tẩy chay nhưng giáo viên không hề quan tâm, giúp đỡ mà để học sinh tự “bơi”. Những học sinh nào học kém sẽ bị buộc chuyển trường để tránh ảnh hưởng đến thành tích chung của nhà trường.
Một số bậc cha mẹ có suy nghĩ chỉ cần kiếm thật nhiều tiền, chu cấp cho con đầy đủ là làm tròn trách nhiệm của mình nhưng quên đi việc dành thời gian trò chuyện, quan tâm đến con cái.
Nhiều bậc cha mẹ mải lo bon chen với cuộc sống nên con trẻ bị lạc lối trong vòng vây của làn sóng văn hóa ngoại lai, game online… Đắm chìm trong thế giới ảo, các bạn trẻ quên mất những nguyên tắc ứng xử thông thường như lên xe bus phải nhường chỗ cho người già, phụ nữ, trẻ em, thấy việc bất bình phải lên tiếng…
Có phải tệ nạn “nữ sinh bị đánh hội đồng” xuất phát từ nhiều bậc cha mẹ là “tấm gương xấu”? Người lớn vi phạm luật giao thông, người lớn vứt rác bừa bãi, người lớn gieo vào người trẻ quan niệm có tiền sẽ thăng quan tiến chức… Những tình trạng đó cứ nhan nhản hàng ngày trước mắt trẻ thì không ảnh hưởng nhiều cũng ảnh hưởng ít.
Thậm chí nhiều người lớn còn dạy cho người trẻ thái độ vô cảm, ra đường thấy chuyện bất bình phải bỏ đi, không quan tâm đến người khác. Vì vậy, nhiều bạn trẻ ngày nay không phân biệt đâu là giá trị sống đích thực, không phân biệt đâu là tốt, đâu là xấu. Sống trong một môi trường mà tình cảm giữa con người ngày càng ít đi thì đương nhiên trẻ sẽ mất đi sự rung cảm trước mọi việc và thiếu lòng nhân.
Nếu xem kỹ đoạn phim “nữ sinh bị đánh hội đồng” tại Hà Nội chúng ta thấy khi cô bé bị đánh rất dã man và tàn bạo thì những người khác (cả nam và nữ) ngồi yên như xem kịch, mặt không biểu lộ một cảm xúc. Cạnh đó ta thấy một vài người lớn đi qua, không ai dừng chân lại, mặc kệ lũ trẻ muốn làm gì thì làm. Thật là đáng sợ và đáng báo động khi chứng kiến cách hành xử “chuyên nghiệp không kém giang hồ thứ thiệt” của những người Việt trẻ đó.
Thiếu văn hóa trầm trọng trong ứng xử, bắt chước sự vô cảm của người lớn sẽ khiến cho các bạn trẻ hiếu kỹ năng sống. Sẽ như thế nào nếu họ chẳng may bị đẩy ra xã hội mưu sinh sớm mà không được trang bị những kỹ năng sống cần thiết?
Từ việc đánh bạn dã man đến việc biến thành những băng nhóm tội phạm chuyên nghiệp, có lẽ khoảng cách sẽ không xa. Nếu nền móng của môi trường giáo dục – nơi trồng người, bị lung lay thì chúng ta có lý do để lo ngại cho sự phát triển bền vững của xã hội,
Người lớn hãy bắt đầu từ điều đơn giản nhất: lớn nên thay đổi, xem lại chính mính, người lớn phải trở thành tấm gương sáng cho các bạn trẻ noi theo trong văn hóa ứng xử.
LÂM ANH VŨ

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 5
Join date : 15/05/2011

https://batcapgiaoduc.forumvi.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết