NHỮNG VẾT ĐEN TRONG GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Tỉ lệ tốt nghiệp THPT 2011: Bất thường đến giật mình

Go down

Tỉ lệ tốt nghiệp THPT 2011: Bất thường đến giật mình Empty Tỉ lệ tốt nghiệp THPT 2011: Bất thường đến giật mình

Bài gửi  Admin Mon Jun 20, 2011 8:55 pm

Tỉ lệ tốt nghiệp THPT 2011:
Bất thường đến giật mình!

Nhiều nhà giáo dục đã giật mình ngỡ ngàng trước tỉ lệ tốt nghiệp THPT “đẹp như mơ” vừa được các sở GD-ĐT hoàn tất việc công bố vào hôm qua, 18-6
Theo kết quả do ông Phạm Xuân Hồng, Phó Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Sở GD-ĐT Phú Thọ, công bố ngày 18-6, kết quả tốt nghiệp hệ THPT của tỉnh lên đến 99,21%. Con số này tuy cao nhưng vẫn còn thấp hơn tỉ lệ tốt nghiệp của hệ giáo dục thường xuyên (GDTX): 99,37%.

Phú Thọ cũng có tới 21 trường có học sinh đỗ tốt nghiệp 100%. Tỉ lệ tốt nghiệp của Phú Thọ cao hơn hẳn Hà Nội và TPHCM, những địa phương luôn dẫn đầu cả nước về chất lượng dạy và học.

Tăng đột biến

Tỉ lệ tốt nghiệp THPT của Hà Nội là 97,79% và hệ GDTX là 97,10%. Ở TPHCM, tỉ lệ tốt nghiệp hệ THPT đạt 96,67%, hệ GDTX đạt 76,20%.

Đáng ngạc nhiên là một tỉnh có điều kiện còn khó khăn như Kon Tum cũng có tỉ lệ tốt nghiệp không kém gì Hà Nội. Năm nay, có tới 97,31% học sinh THPT của tỉnh này đỗ tốt nghiệp; hệ GDTX tỉ lệ đỗ là 62,80%, tăng đột biến so với năm 2010 (chỉ 35,66%). Điều đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao, 93,71%.

Có 8 trường ở Kon Tum tỉ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100%. Trường có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp thấp nhất là Trường Dân tộc Nội trú huyện Kon Plông, 72,91%.

Cần Thơ cũng có 8.131/8.289 thí sinh đậu tốt nghiệp, đạt tỉ lệ 97,74% (tăng hơn năm ngoái 12%), hệ GDTX có 1.426/2061 thí sinh đỗ tốt nghiệp, đạt tỉ lệ 69,18% (tăng khoảng 15% so với năm 2010), trong đó có 3 thí sinh đạt loại giỏi và 15 thí sinh loại khá.

Thanh Hóa cũng có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp lên đến 99,23% đối với hệ THPT và GDTX đạt 99,79%, cao hơn hẳn so với năm ngoái (khối THPT đạt 98,68%, GDTX đạt 94,22%).

Không thua kém, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh cũng thông báo tỉ lệ đỗ tốt nghiệp hệ THPT của tỉnh này là 99,14%, GDTX là 97,61% (năm 2010 là 77%). Theo thông báo của Sở GD-ĐT Nam Định, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp hệ THPT của địa phương này là 99,89%, hệ GDTX là 99,92%, cao nhất cả nước...

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 cũng được ghi nhận là kỳ thi có số hội đồng tốt nghiệp 100% rất nhiều, không chỉ ở hệ THPT mà còn ở hệ GDTX - vốn không được đánh giá cao về chất lượng.

Thực chất đến đâu ?

Trước tỉ lệ tốt nghiệp “đẹp như mơ” năm nay, rất nhiều nhà giáo dục phải đặt câu hỏi: Liệu kết quả này có phản ánh đúng chất lượng giáo dục?

Cho dù ngay sau kỳ thi tốt nghiệp, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã khẳng định ngành giáo dục không “nới tay” cho thí sinh để có một kết quả thi tốt nghiệp đẹp trong cả khâu coi thi cũng như ra đề.

PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh-Hà Nội, đặt vấn đề kết quả này thực chất đến đâu vẫn là điều chúng ta phải xem xét bởi nhiều nơi phao thi vẫn trắng sân trường.

Giáo viên của Trường THPT Lương Thế Vinh tham gia chấm thi môn toán đã phát hiện có phòng thi bài làm giống hệt nhau, cả sai lẫn đúng. Như vậy là có căn cứ để nghi ngờ sự nghiêm túc ở khâu coi thi.

Một giáo viên khác được điều động làm cán bộ coi thi cho biết trước kỳ thi ông đã được các đồng nghiệp khác nhắc nhở “nương tay” cho thí sinh, vì làm chặt là “đóng sập cánh cửa vào đời của học trò”.

Nhiều khi nhìn thấy học trò vô tư quay bài, nhiều giáo viên vẫn lờ đi như không thấy để các em có được tấm bằng tốt nghiệp.

Giáo viên này cho biết thêm những năm trước, khi thanh tra ủy quyền của bộ còn cắm chốt tại các hội đồng, kỷ luật phòng thi được siết chặt. Hai năm gần đây, số thanh tra ủy quyền của bộ giảm xuống và sự nghiêm túc cũng giảm xuống thấy rõ.

Cần xem lại cách tổ chức thi

Nhìn vào tỉ lệ tốt nghiệp năm nay, PGS Văn Như Cương cho rằng tuy ông đã dự kiến trước được kết quả thi sẽ cao (vì đề dễ, vừa sức học sinh) nhưng không ngờ lại cao bất thường như vậy, nhất là ở các hội đồng thi GDTX, vốn có tỉ lệ đỗ cực thấp. Với kinh nghiệm nhiều năm làm giáo dục, PGS Cương cho rằng việc các hội đồng GDTX có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao hơn hẳn THPT là điều đáng để Bộ GD-ĐT cũng như các cơ quan quản lý phải lưu tâm.

Nếu các tỉnh đều đỗ tốt nghiệp cao như vậy thì Bộ GD-ĐT nên xem xét phương án để các địa phương tự chủ trong việc tổ chức thi. Có khi với cách này, tỉ lệ tốt nghiệp ở các tỉnh còn thấp hơn khi tổ chức kỳ thi chung của bộ. “Cần phải xem lại cách tổ chức kỳ thi, nếu đỗ thật mới mừng, chứ đỗ nhờ quay cóp, dễ dãi thì cần lấy làm xấu hổ”- PGS Văn Như Cương nhận xét.
Yến Anh

ý kiến


 Vũ Như Cẩn
19/06/2011 06:50
Ở tỉnh Đ có 1 hội đồng thi TN THPT gồm HS 2 trường mang tính đặc thù 100% là HS dân tộc thiểu số, chất lượng học tập của các em không được cao lắm. Trong quá trình tổ chức thi: giám thị được nhắc nhở "nên dễ dãi cho thí sinh làm bài", thanh tra ủy quyền của bộ , thanh tra sở có cũng như không...Kết quả: 2 trường này trong số 3 trường của Đ đỗ TN 100%. Với một dẫn chứng này chúng ta có thể liên tưởng đến nhiều trường, nhiều hội đồng khác và cần đánh dấu hỏi với kết quả TN THPT năm nay cao chót vót (rất ít trường, tỉnh có kết quả dưới 90%) nó có phải là thước đo chất lượng học tập của HS hay chỉ là sự phản ánh cách tổ chức thi, chấm thi năm nay quá dễ dãi, quá thoáng ?
 Minh Đức
19/06/2011 10:05
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp năm nay đã làm đau lòng những người có tâm huyết với nền giáo dục và tiền đồ nước nhà. Với những sản phẩm con người được đào tạo, giáo dục bởi sự dối trá như vậy, liệu rồi nền GD Việt Nam sẽ như thế nào? Khi giáo dục chính là chìa khóa mở cánh cửa phát triển đất nước? "Ngày nay học tập- ngày mai giúp đời!"- Than ôi! Còn đâu nữa lời dạy của cha ông ta?
 ductong
19/06/2011 10:33
Với tỉ lệ tốt nghiệp THPT như vậy thì lo gì VN chúng ta không trở thành "cường quốc" về giáo dục trong vài năm tới! Vậy mà các nhà giáo tâm huyết, các vị phụ huynh cứ than vãn về giáo trình, về giáo án, về cách thức dạy và học ở nước ta. Giáo dục tốt như vậy mà các nhà quản lý, các doanh nghiệp cứ lo nguồn nhân lực VN thiếu và yếu?
 ĐỖ VĂN TRA
19/06/2011 10:35
Bộ cần xem xét lại kết quả thi tốt nghiệp THPT, Tại sao kết quả thi tốt nghiệp tổ chức tại địa phương cao nhưng kết quả điểm thi chung ( Đại học ) lại thấp ?
 tư nổ
19/06/2011 11:24
Tôi có đứa cháu ruột tối ngày chơi game online mà thi vẫn được 43 điểm.
 cua đồng
19/06/2011 12:11
tôi thấy thất vọng cho cái sụ học của nước nhà những năm gần đây , vậy mà ông đầu ngành còn kéo cả các vị tiền bối vào chịu trách nhiệm chung mới tài ," học tốt " thế mà sao nghèo thế
 bich ngoc
19/06/2011 12:37
đúng là kết quả đậu tốt nghiệp năm nay đáng phải giật mình. không thể có 1 kết quả quá đẹp như vậy, trong khi thực tế thì không phải là như vậy.
 Một giáo viên
19/06/2011 13:33
Ở nơi tôi coi thi, không cho HS quay bài nhưng học sinh trao đổi thì vẫn cho. Thực sự xấu hổ vì mình là giáo viên mà vẫn 'thỏa hiệp' với những hành vi sai trái.
 phong vân
19/06/2011 13:55
hàng chục tỉ đồng chuẩn bị cho kỳ thi đã trôi theo sông biển. Với kết quả như thế này, cần gì phải tổ chức kỳ thi quốc gia cho tốn kém tiền của dân.
 Đau văn Khổ
19/06/2011 14:31
Là người trực tiếp đứng lớp tôi thấy thế này: Kính mời những nhà quản lý nên vi hành về cơ sở đột xuất và kiểm tra tại chỗ trình độ học sinh để thấy được sự đau khổ của chúng tôi khi thấy tỷ lệ này. Bằng không hãy đợi kết quả đại học rồi ắt sẽ rõ.
 Xí xọn
19/06/2011 15:42
Trích ý kiến của 1 cơ quan ngành giáo dục: "...Có được kết quả như vậy không chỉ ở việc quyết liệt chống tiêu cực trong thi cử, mà đồng thời với đó Bộ GD-ĐT còn phát động các phong trào thi đua, các cuộc vận động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục... Các trường phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên đều quan tâm phụ đạo học sinh yếu, bước đầu chú ý bồi dưỡng học sinh giỏi..." Vậy cần gì đến việc phải chi 70.000 tỉ đồng để đổi mới sách giáo khoa trong thời gian tới? Cứ để sách cũ mà học, chất lượng vậy cơ mà.
 Ngọc Lãm
19/06/2011 16:59
Bạn đau văn khổ nói thế không được. Nếu đúng là các vị đó sẵn sàng bỏ công vi hành thì đương nhiên các vị ấy đã không cho công bố cái kết quả lên rồi, cần gì phải đi cho tốn tiền thêm. Con gái tôi năm nay vào lớp Một mà bây giờ hàng xóm, gia đình, họ hàng cứ đòi phải cho đi học hè để "làm quen"...
 Nguyễn Công Minh
19/06/2011 18:07
Tôi là giáo viên PTTH có thời gian giảng dạy gần 30 năm và nhiều năm tham gia coi, chấm thi. Khi đọc kết quả kì thi TNPT tôi cũng phải giật mình. Kết quả một kì thi phụ thuộc vào các qui trình sau: Coi thi, đề thi, đáp án và chấm thi. Là người trực tiếp tham gia coi thi và chấm thi (môn Toán ), tôi xin có một vài cảm nhận về thành tích "trên cả tuyệt vời" của kì thi TN PTTH năm 2010-2011: * Công tác coi thi tại nhiều nơi năm nào cũng có chuyện để bàn, để hạn chế các tiêu cực trong các kì thi trước mỗi hội đồng thi đều có một đoàn khoảng 3 người làm nhiệm vụ thanh tra kiêm nhiệm của Bộ bám sát cơ sở từ đầu đến cuối cuộc thi, nhưng năm nay chỉ ngày thi cuối mới thấy một người thanh tra của Bộ. Đây là tác nhân có thể đẩy kết quả lên vài chục phần trăm. * Đề thi (Toán) hơi dễ so với mọi năm, nhưng điều này hợp lí vì đây là kì thi TNPT để kiểm tra các kiến thức phổ thông mà học sinh đã được tiếp thu. * Đáp án của Bộ: điều này có thể làm thay đổi kết quả khoảng 5-10%, vì cách định thang điểm thành phần trong từng câu có thể làm thay đổi kết quả - mặc dù thang điểm của câu đó không thay đổi. Năm nay sự chuẩn bị của Bộ cho đáp án môn Văn chưa kĩ, việc thay đổi đáp án môn này như là một "Thông điệp" của Bộ Giáo dục & Đào tạo gửi tới giám khảo: Đãi cát tìm vàng. * Chấm thi: Đây là công đoạn gây tác động tới kết quả TN gần như ngang bằng với công tác coi thi. Chấm chéo chỉ phát huy tính tích cực nếu hội đồng chấm thi không biết mình đang chấm thi cho học sinh của địa phương nào, còn không thỉ chỉ lãng phí và làm cho vui. Nhóm các tỉnh ĐBSCL thay đổi đáp án của Bộ có thể coi đây là hành động vi phạm pháp luật và sáng kiến "kinh ngạc" này là hậu quả tất yếu của cách chấm chéo hiện nay. Là giáo viên chấm thi bộ môn Toán lâu năm,, tôi thấy có rất nhiều điều vô lí: giải phương trình không đặt điều kiện - cho điểm tối đa, không trình bày chỉ ghi kết quả - nửa số điểm, trên sai, dưới đúng - 3/4 số điểm .... Theo tôi, hai công đoạn đầu và cuối đã đẩy kết quă thi TNPT năm nay lên cao vút (rất may là chưa phải 100%). Kì thi năm nay cũng chính thức cất kho ý tưởng kì thi " 2 trong 1" của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân.
 Minh Khang
19/06/2011 18:50
Đúng là cái lưỡi con người ta không có xương, muốn nói muốn bình thế nào cũng được. Khi tỷ lệ tốt nghiệp thấp thì đánh giá công tác giảng dạy chưa tốt, khi tỷ lệ đậu cao thì đánh giá đề ra dễ. Vậy tôi hỏi các vị thế nào là đề dễ? Khi tỷ lệ tốt nghiệp cao chúng ta cần phải động viên tinh thần học tập của các cháu, chứ có đâu mà xét nét tiểu tiết nhỏ nhặt như thế. Môi trường nghề nghiệp sẽ đánh giá các cháu sau này, ai giỏi, ai dở thì sẽ biết. Làm dở thì ai cũng chê, làm tốt lại còn bị chê hơn...làm người sao khó thế.
 Minh Nghia@
19/06/2011 18:58
Tôi cũng là một giáo viên THPT, đã coi thi TN THPT nhiều năm. Năm nào khi kết thúc hội đồng thi, chủ tịch hội đồng thi cũng đọc biên bản có câu kết "kì thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế". Kết thúc kì thi năm nay đến khi nghe đọc câu đó tôi chỉ biết buồn mà cười. Nỗi buồn đó càng được nhân lên khi biết kết quả hội đồng mình coi thi vừa rồi đậu TN 100%.Làm sao mà không buồn được khi mình là thầy giáo nhưng khi làm công tác thi mình chỉ được quyền coi người ta thi (quay cop) chứ không được coi thi theo quy chế. Với cách thi như thế, cách coi thi như thế thì chúng ta đã vì tỉ lệ đẹp, vì thành tích mà đã hại HS của mình rồi còn gì.
 tám tàng
19/06/2011 20:53
Tui có đứa em cũng chơi game online tối ngày thi được 53 điểm, chắc nó giỏi.
 Nguyễn Phúc Huy
20/06/2011 05:19
Sau kỳ thi Tốt nghiệp THPT là câu chuyện dài nhiều tập. Hổm rày trên mạng quá nhiều ý kiến bình luận rối trí quá. Tôi thấy thế này: hay là Bộ Giáo dục thử bỏ thi Tốt nghiệp THPT 1 năm thôi, xem hiệu quả thế nào ta sẽ tính tiếp. Tôi nghĩ dư luận sẽ ủng hộ đề xuất này, bởi vì nó có lợi chứ chẳng hại gì: đỡ tốn tiền của nhà nước và nhân dân, đỡ tốn công sức và áp lực cho nhà trường, ngành giáo dục, học sinh và phụ huynh, nhất là tránh được những cái chết thương tâm do tai nạn giao thông (học sinh và giám thị ). Đề án đổi mới giáo dục chưa thấy hiệu quả ra sao mà ngốn 70.000 tỉ VNĐ, còn việc thử bỏ thi tốt nghiệp 1 năm thì hiệu quả sờ sờ ra đấy. Bà con thấy sao? Lãnh đạo ngành giáo dục thấy sao?
 Minh Ngọc
20/06/2011 09:32
Cho dù tỷ lệ cao là điều mong ước của học sinh, giáo viên và trường học, nhưng không phải vì thế mà chúng ta bỏ bao nhiêu tiền của để tổ chức một kỳ thi mà kết quả không đánh giá đúng thực chất học tập. Với một kỳ thi phổ thông như thế này, chỉ cần học hành nghiêm túc là học sinh có thể đâu,nếu không cần học hay học cho có mà đậu thì tổ chức thi chi cho tốn tiền. Chúng ta đánh giá nỗ lực cao của các em học sinh, các trường, các giáo viên, nhưng không thể để mặc mọi hành vi gian lận, quay cóp, thao túng kết quả. Bên Mỹ, việc thi tốt nghiệp lớp 12 đã được chuẩn bị ngay khi học sinh vào lớp 10. Mỗi năm học từ lớp 10 đến lớp 12, học sinh phải đều phải qua những kỳ thi gọi là High School Exit Examination, thi rất khó, phải làm nhiều bài tự luận cho nhiều môn, nhưng cứ rớt là được thi lại. Ngay cả kỳ thi từ lớp 10 gọi là Start Test, đề thi nhìn là choáng, với cả 100 câu. Chuẩn bị thi tốt nghiệp như thế, bảo đảm học sinh học nghiêm túc trong suốt 3 năm cuối cấp, nhưng vì có thể thi lại nhiều lần, nên học sinh không cảm thấy quá áp lực. Tại sao các cấp lãnh đạo giáo dục không nghiên cứu chương trình thi cử và giáo dục của các nước tiên tiến và vận dụng một cách thích hợp nhưng nghiêm túc vào nước mình?
 Phương Nguyễn
20/06/2011 10:46
Tôi là một người đã dạy học trên 30 năm, đọc một số ý kiến của các thầy cô về những bất cập trong thi cử hiện nay, tôi như bắt gặp hình ảnh của chính tôi trong những dòng suy nghĩ ấy. Chỉ tiếc là chúng ta không được gặp nhau trong cuộc sống hằng ngày để cùng nói lên tiếng nói chân thực của những người còn nghĩ đến thế hệ trẻ. Ở đây tôi cô đơn lắm, đã có một thời tôi không bao giờ được điều đi coi thi vì hội đồng thi nào có mặt tôi thì ở đó "có vấn đề" và tôi bị coi là người "không bình thường". Hiện nay trường tôi dạy đang có nhiều tiêu cực trầm trọng về dạy thêm học thêm thì đến thi học kì cũng không điều tôi đi gác thi vì biết chắc mình mà đi thì sẽ phát hiện ra ngay "gà" của hiệu trưởng, thế là gần như mình bị cô lập... Tôi không sợ, cũng chẳng buồn vì hơn 30 năm nay mình đã quen rồi, chỉ thấy đau lòng khi biết rõ có những học sinh không học hành gì cả, đầu thì trống rỗng kiến thức, đến trường chỉ như cho vui, tóc tai nhuộm xanh nhuộm đỏ, chải chuốt như ca sĩ, vào lớp thì nói chuyên vô tư hoặc nằm ngủ, nhưng điểm thi bao giờ cũng cao, lên lớp đều đều, và cứ cái đà ấy những em này sẽ vào đời suông sẻ, biết đâu có khi lại có quyền có chức, điều này thật là một tai họa cho xã hội. Học sinh là người Tổ Quốc mong cho mai sau... dù thế nào đi nữa, dù còn một ngày đi dạy nữa thôi tôi vẫn kiên quyết rằng những học sinh của tôi phải là những người có năng lực thật sự, dám sống bằng chính ý chí và tài năng của mình, không nhận những thành tích ảo từ trên trời rơi xuống, tôi vẫn mạnh mẽ tin như vậy dù ngay bây giờ tôi cũng đang khổ vì cái "không bình thường" của mình, mong tìm được sự chia sẻ của các đồng nghiệp !
 HữuThanh
20/06/2011 11:02
Nên bỏ thi tốt nghiệp PTTH. Lấy kinh phí tổ chức thi để xây dựng trường học mới. Cấp cho HS giấy chứng nhận kèm học bạ thay bằng TN. Có thi hay không thi thì cũng gần như bao nhiêu học sinh đó tiếp tục thi vào đại học.
 Anh Tú
20/06/2011 12:29
Khách quan mà nói đây là xu hướng đúng cho ngành giáo dục khi mà càng ngày chúng ta càng phải phổ cập giáo dục ở mức cao hơn. Đã đến lúc chúng ta bỏ hẳn thi tốt nghiệp THPT mà chỉ cần xét tốt nghiệp trên cơ sở quá trình học của 3 năm PTTH giống như xét tốt nghiệp THCS mà ngành giáo dục đang làm. Kỳ thi quốc gia chỉ nên có một lần là kỳ thi đại học nhằm phân loại học sinh ở bậc học cao hơn. Việc tổ chức kỳ thi THPT chỉ làm thêm căng thẳng cho các em và cũng tiêu tốn của xã hội một chi phí khổng lồ của xã hội, trong khi đó ích lợi đem lại thì không bao nhiêu. Rất mong các nhà hoạch định chiến lược giáo dục có quyết định mạnh mẽ hơn và đột phá hơn trong nền giáo dục quốc gia.


Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 5
Join date : 15/05/2011

https://batcapgiaoduc.forumvi.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết